Wednesday 24 September 2014

Sandwich cá ngừ

Dạo này mình bị nghiền cá ngừ, nên cứ làm các món về cá ngừ suốt thôi. :"> Sandwich khá thân thuộc với mọi người, thường là 2 lát bánh mì vuông (nướng hoặc không nướng) sau đó kẹp với thịt bò, thịt gà hay cá cùng rau xà lách và cà chua, có thể thêm phomai lát tùy ý. Cũng giống như burger, sandwich khá dễ làm, dễ ăn và có đủ rau đủ thịt, rất tốt cho sức khỏe nữa ;) Chỉ cần 15-20 phút chuẩn bị, không cần nấu nướng gì là đã có vài chiếc sandwich ngon lành rùi. Hơn nữa, Cá ngừ là một trong những loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, cấu trúc phân tử ngắn nên dễ tiêu hóa hơn thịt. Ngoài ra, các nhà khoa học nghiên cứu rằng trong thành phần cá ngừ chứa rất nhiều dinh dưỡng và khoáng chất giúp chống viêm nhiễm, chống bị ô xi hóa, các nguy cơ về bệnh tim mạch và viêm nhiễm. Cùng làm sandwich cá ngừ thôi >:D<

Nguồn: maangchi.com

Nguyên liệu: (Cho 2 chiếc sandwich)
- 4 lát bánh mì vuông 
- 1 hộp cá ngừ, 
- 1 quả trứng, luộc chín, bóc vỏ
- 1/2 quả dưa chuột, nạo vỏ, bỏ hạt và băm nhỏ
- 1/2 củ hành tây, băm nhỏ
- 1/2 tsp muối
- 2 tbsp sốt mayonaise
- 4 lá rau xà lách
- 1 quả cà chua
- Rau mầm tùy ý
- 1/2 tsp hạt tiêu

Cách làm:
- Trộn hành tây băm nhỏ với dưa chuột, rắc 1/2 tsp muối, trộn đều rồi để yên 5 phút sau đó lấy khăn xô hoặc giấy thấm nước loại dầy, vắt kiệt phần nước tiết ra sau đỏ cho phần dưa chuột + hành vào một tô nhỏ
- Lấy cá ngừ khỏi hộp, chỉ lọc lấy phần cá, sau đó cho vào tô hành + dưa chuột. Thêm trứng, 2 tbsp sốt mayonaise và tiêu đen, dùng dĩa hoặc thìa dằm nát tới khi hỗn hợp quyện đều.

- Rau mầm cắt sạch rễ, rửa sạch rồi để ráo nước.
- Cà chua rửa sạch, thái lát mỏng. Rau xà lách rửa sạch.
- Nướng 4 lát bánh mì tới khi vàng mặt
- Xếp 2 lá xà lách lên 2 lát bánh mì nướng, sau đó thêm hỗn hợp cá ngừ, tiếp đó tới cà chua, rau mầm, thêm ít sốt mayonaise và ketchup, úp 1 lá rau xà lách lên trên rồi trên cùng là lát bánh mì nướng.



- Để cắt sandwich được đẹp, các bạn nên dùng dao cắt bánh mì hoặc nếu dùng dao bình thường thì phải thật sắc nhé. Dùng tay ấn miếng sandwich hơi chặt một chút, cắt hết phần rau riềm xung quanh và cắt nhanh tay, dứt khoát một đường chéo. Chú ý nên giữu chặt tay trách phần nhân bị phòi ra ngoài nhé. Để cố định chiếc bánh, các bạn có thể dùng tăm cắm lên giữa để bánh giữ form được đẹp.

Nào, giờ thì măm măm thôi.
Chúc các bạn thành công :">


Tuesday 23 September 2014

Cơm cuộn và burger/sandwich cá ngừ

Cơm cuộn (kimbap/gimbap) luôn là món khoái khẩu của mình, phần vì thời gian chuẩn bị không nhiều, cách làm lại đơn giản nhưng thành phẩm lại rất ngon :3 Mình bắt đầu tập làm cơm cuộn cũng lâu rồi, từ thời còn nghiền phim Hàn xẻng, thấy các anh chị diễn viên măm măm suốt mà thèm quá. Thế là quyết tâm tìm công thức rồi nguyên liệu về làm :">

Thành phần món cơm cuộn bao gồm có lá rong biển, cơm, trứng chiên thái xợi, thịt bò hoặc xúc xích, rau chân vịt, củ cải vàng muối và cà rốt. Mình thường biến tấu theo nguyên liệu còn trong tủ lạnh. Có khi mình chỉ cuộn cơm với thịt bò băm hay xúc xích, khi thì thêm nào bơ nào cá hồi nào cá ngừ. Nói chung là luôn theo tiêu chí "nhà có gì thì làm nấy" nên rất linh hoạt và tiện lợi :">

Hôm nay mình làm cơm cuộn cá ngừ theo công thức tham khảo từ blog Maangchi. Mình rất thích cách cô ấy xào cá ngừ với dầu vừng và nước tương. Chỉ thêm một vài gia vị mà khiến món cá ngừ hộp hấp dẫn hơn rất nhiều.

Mình có một lưu ý nhỏ khi làm cơm cuộn là phần cơm. Gạo hàn quốc thường dẻo và hơi dính hơn so với gạo của mình, nên mình thường trộn gạo nếp với gạo tẻ để cơm cuộn được ngon hơn.

Nguyên liệu:
- Lá rong biển
- Nửa bát gạo nếp + nửa bát gạo tẻ
- Một hộp cá ngừ ngâm dầu hoặc nước suối
- Thanh cua
- Dưa chuột muối (có thể thay bằng dưa chuột tươi)
- 1 quả bơ chín
- Nước tương, dầu mè, vừng, tỏi băm, hành tươi
- Mành tre để cuộn cơm (không có cũng không sao, cơm cuộn trong ảnh mình cuộn bằng tay không)

Cách làm:
- Trộn lẫn gạo tẻ với gạo nếp, nấu chín. Cho nhiều nước hơn bình thường một chút nấu chín.
- Trong lúc chờ cơm chín thì chuẩn bị các nguyên liệu còn lại
- Bơ bổ đôi, bỏ hạt rồi dùng 1 cái thìa nhỏ dễ dàng tách bơ khỏi vỏ mà không làm bơ bị nát. Ở công đoạn lấy hạt, các bạn có thể dùng dao đâm vào hạt, sau đó sẽ dễ dàng nhấc hạt bơ lên.

Ảnh: Internet

- Thái bơ thành các miếng nhỏ, dày 1 cm
- Dưa chuột muối bổ làm tư. Nếu dùng dưa chuột tươi thì thái dày chừng 0.5 - 1cm
- Băm nhỏ 1 nhánh tỏi và 1 nhánh hành tươi
- Lấy cá ngừ khỏi hộp, loại bỏ dầu và nước sau đó cho vào chảo xào với 1 tsp dầu mè tầm 2 phút. Sau đó thêm 1 tsp nước tương, tỏi băm, 1/2 tsp đường 1/2 tsp tiêu đen 1/2 tsp vừng rang chín và gia vị sao cho vừa ăn, xào thêm 3-4 phút sau đó tắt bếp, thêm hành tươi rồi trộn đều.
- Cơm chín, xới cơm ra một tô, thêm 2 tsp dấm gạo, 1 tsp đường, 1 tsp dầu ăn và rắc chút muối. Nên cho từ từ dấm và đường, ăn thử tới khi nào vừa miệng thì dừng.
- Trải lá rong biển ra một chiếc thớt sạch. Trải cơm đều ra 2/3 lá rong biển, dùng thìa tán đều và hơi ấn một chút cho cơm dính vào lá được chặt. Sau đó xếp dưa chuột muối, bơ, thanh cua và sau cùng là cá ngừ. Dùng tay cuộn chặt lại.

**Lưu ý: Để cuộn cơm được tròn và chắc, tốt nhất các bạn nên sử dụng mành tre. Nếu không có mành tre các bạn phải nắm thật chắc tay, tuy nhiên k nên nắm chặt quá sẽ làm rách lá rong biển.

Ảnh: Internet

- Sau khi cuộn xong dùng một chiếc dao sắc để thái thành những miếng tròn đều dày 1,5 cm. Để lát cắt được đẹp, các bạn nên phết một lớp dầu vừng mỏng lên lưỡi dao sau mỗi lần cắt. Cơm sẽ không bị dính vào dao, nhìn sẽ đẹp mắt hơn.
- Cơm cuộn có thể dùng với xì dầu hay mayon trộn cùng ketchup. Nghĩ tới là lại thèm rồi :(
- Tadaa, xong rùi. Món cơm cuộn siêu đơn giản :3

Vì còn thừa một chút cá ngừ, nên mình biến tấu cùng một chút xà lách và cà chua để có món burger/sandwich cá ngừ cũng hấp dẫn không kém. Nguyên liệu và cách làm thì vô cùng đơn giản.


Chỉ cần có 2 lát bánh mì sandwich hoặc bánh mì Việt Nam hay bánh mì tròn. Nếu dùng bánh mì Việt Nam hay bánh mì tròn thì cần cắt đôi ra. Sau đó cho vào lò hay máy nướng bánh mì nướng tới khi vàng mặt, không nên nướng lâu quá, bánh sẽ bị khô. Chỉ tầm 5 phút. 

Bánh mì nướng xong thì phết thêm chút bơ nhạt, đặt 1 lá rau xà lách, tiếp đến là cá ngừ rồi 1-2 lát cà chua thái mỏng, thêm sốt mayonaise và ketchup rồi úp lát bánh mì nướng còn lại lên và măm măm thôi. Cực kì nhanh, đơn giản những cũng ngon miệng và bổ dưỡng không kém món kimpab nha.
Thử ngay và luôn thôi nào :3



Sunday 14 September 2014

Pancake yến mạch

Vốn là một tín đồ của "tinh bột"  nên pancake là một món không thể thiếu trong danh sách những món ăn yêu thích của mình. Pancake cơ bản thôi ăn đã ngon rồi, nay thêm yến mạch thơm thơm bùi bùi lại cực kì tốt cho sức khỏe nên món bánh này đã thay thể em pancake basic mà mình vẫn hay làm rồi :3

Yến mạch là một loại ngũ cốc lấy hạt họ với lúa mỳ, đước trồng khá nhiều ở vùng có khí hậu mát mẻ. Yến mạch rất tốt cho sức khỏe, là loại hạt có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng với hàm lượng cholesteron thấp do vậy rất phù hợp với những người có bệnh tim mạch hay tiểu đường. Nhiều bà mẹ trẻ thường hay dùng yến mạch để cho con ăn dặm, giúp tiêu hóa tốt và tăng trưởng chiều cao. Ngoài ra, yến mạch cũng rất tốt cho da, điều này chắc khá nhiều bạn nữ muốn quan tâm nhỉ ;)). Chỉ cần 1 muỗng canh bột yến mạch trộn với sữa chua hay sữa tươi không đường rồi dùng làm mặt nạ đắp mặt, đảm bảo sau 2 tuần bạn sẽ thấy da dẻ mịn màng và căng bóng hơn đó. Với quá nhiều tác dụng như vậy, pancake yến mạch đúng là một lựa chọn tốt hơn nhiều so với pancake thông thường phải không nhỉ ;)


Công thức bánh pancake cơ bản mình đã có up ở đây. Công thức pancake yến mạch khác so với công thức cơ bản một chút là thay sữa bằng buttermilk. Buttermilk các bạn có thể mua ở Metro hoặc các siêu thị nhập khẩu như Dan's shop hay L's Place đều có. Nếu không có buttermilk thì có thể thay bằng sữa không đường bình thường vẫn không sao, nhưng vị thì mình nghĩ làm buttermilk bánh sẽ ngon hơn ;)

Ngoài ra, buttermilk tự làm tại nhà cũng khá đơn giản. 25ml nước cốt chanh hoặc dấm + 225 ml sữa tươi không đường, trộn đều sau đó để yên 15-20 phút là có một cup buttermilk homemade cực chất lượng rồi. Sữa thì các bạn có thể dùng sữa tách béo hoặc nguyên kem, tuy nhiên sữa nguyên kem sẽ cho bánh vị thơm, ngậy hơn và tất nhiên cũng béo hơn nữa :">

"Buttermilk là một loại sản phẩm từ sữa, có vị chua và là phần chất lỏng tách ra trong quá trình làm bơ, hay còn gọi là "traditional buttermilk". Còn một loại khác gọi là "cultured  buttermilk" là sản phẩm lên men từ sữa bò bởi tác động của các vi khuẩn axit lactic. Buttermilk thường sánh đặc hơn so với sữa thông thường, "traditional buttermilk" thì sẽ đỡ sánh hơn so với "cultured buttermilk". Cũng giống như yến mạch, buttermilk rất tốt cho sức khỏe với hàm lược calo và chất béo thấp hơn sữa thông thường. Trong 1 cup sữa nguyên kem bao gồm 157 calo và 9 gram chất béo trong khi đó 1 cup buttermilk chỉ chứa 99 calo và 2,2 gram chất béo. Trong thành phần của buttermilk còn có nhiều loại vitamins, kali, canxi và phốt pho rất tốt cho đường tiêu hóa. Ở một số quốc gia, buttermilk được sửa dụng như một loại đồ uống ưa thích vào mùa hè, giúp làm giảm rối loạn đường tiêu hóa. Tại Ấn Độ, người ta còn chế biến buttermilk với lá mùi, gừng hay lá cà ri để kích thích tiêu hóa"
Nguồn: Wikipedia


Ở trên là một số thông tin về buttermilk, còn bây giờ thì tiến hành làm bánh thui nhỉ ;)

Nguồn tham khảo:  allrecipes.com

Nguyên liệu: (Làm được 7-8 chiếc pancake)

- 62.5 gram bột mỳ đa dụng
- 45 gram bột yến mạch (rolled oats, quick cooking oats)
- 1 tbsp (thìa súp) đường
- 1 tsp (thìa cà phê) baking powder
- 1/2 tsp (thìa cà phê) baking soda
- 1/2 tsp (thìa cà phê) muối
- 180 ml buttermilk
- 1 tsp (thìa cà phê) vanilla extract
- 2 tbsp (thìa súp) bơ đun chảy
- 1 trứng

Cách làm: 

- Trộn đều bột mì với đường, baking powder, baking soda và muối sau đó rây qua loại bỏ những phần bị vón cục.

- Trộn hỗn hợp bột ở trên với bột yến mạch, tùy theo sở thích của mọi người có thể xay cho yến mạch nhỏ hơn hoặc để nguyên cũng không sao. Cá nhân mình thích yến mạch vẫn còn nguyên hạt nên để nguyên.

- Đập trứng ra tô, trộn đều với buttermilk, bơ đun chảy và vanilla, sau đó lược qua rây loại bỏ lợn cợn.

- Trộn đều hỗn hợp bột với hỗn hợp trứng sữa.

- Bật bếp để lửa nhỏ, đặt chảo chống dính lên bếp, dùng chổi quét một lớp dầu thật mỏng. Không nên quét nhiều quá vì trong bột cũng đã có bơ rồi.

- Múc 1 thìa bột vào chảo, đợi 2 phút tới khi phần mặt hơi se lại thì lật bánh. Chiên vàng tới khi hết phần bột.

**Bí quyết rán bánh được vàng đều như hình của mình là để lửa nhỏ, và chỉ cho dầu ăn ở lần đầu tiên, sau đó các lần tiếp theo mình chỉ đổ bột chứ không thêm dầu. Bánh sẽ được vàng mặt như mình, không bị lỗ chỗ. Đó là bí quyết riêng mình tự rút kinh nghiệm được, bạn nào có cách làm hay hơn thì chia sẻ chúng ta cùng học hỏi nhé ;)


- Bánh chín có thể ăn kèm với mật ong, mứt dâu thêm chút hoa quả như chuối, dâu tây hay đơn giản chỉ dùng cùng với bơ kèm thêm ly sữa. Chu choa :">

- Thưởng thức thôi nào :3

Saturday 13 September 2014

Mứt dâu (Strawberry Jam)

Mứt là một trong những món khoái khẩu của mình, từ những miếng mứt quả khô tới những hũ mứt jam thơm nức và quyến rũ, có lẽ vì mình vốn hảo ngọt nên thứ gì có nhiều đường, ngọt ngọt chua chua là thích rồi. :3


Mình thường ăn mứt dâu cùng với bánh mì nướng, khi thì ăn với pancake hoặc thi thoảng lại trộn cùng kem trang trí bánh. Nói chung mình luôn muốn có vài hũ mứt nhỏ xinh trong tủ để mỗi sáng lười nấu nướng thì chỉ cần nướng vài lát bánh mì, phết tí mứt và thêm cốc sữa hoặc nước hoa quả thì cũng tràn đầy năng lượng rùi.


Giá thành của một hũ mứt dâu chất lượng thường khá cao, tầm hơn 100k một hũ. Mứt dâu tự làm vô cùng đơn giản lại rất thơm ngon, có thể điều chỉnh lượng đường, không chất bảo quản và giá thành thì rẻ hơn mứt tự mua rất nhiều, vậy thì tại sao chúng mình không tự làm mứt dâu nhỉ?
Cách làm và bảo quản mứt dâu mình tham khảo từ blog chị Khai Tâm. Thành phẩm rất tuyệt.



Vì mứt thường phải cho nhiều đường nên khá ngọt, do vậy mỗi lần sử dụng không nhiều nên mình nghĩ chỉ nên làm ít một để ăn dần nếu nhà ít người hảo ngọt, mứt sẽ luôn tươi ngon.

Nguyên liệu:

- 300 gram dâu tươi
- 150 gram đường (Tùy vào độ chua của dâu mà gia giảm đường cho phu hợp. Dâu mình dùng không quá chua, nên mình dùng 150 gr đường thấy ngọt vừa, vẫn cảm giác được vị chua nhẹ của dâu)
- 2 thìa cà phê nước cốt chanh.

Cách làm:

- Chuẩn bị một hũ thủy tinh nhỏ
- Đun sôi 10 phút sau đó úp ra khăn sạch cho ráo nước.
- Dâu rửa sạch, để cho ráo nước.
- Thêm đường sau đó dùng nĩa dầm nát dâu và đường.
- Thêm nước cốt chanh, bắc lên bếp đun lửa vừa, vừa đun vừa khuấy cho đường tan hết.
- Tới khi hỗn hợp bắt đầu sôi thì vặn lửa to, liên tục dùng tay khuấy đều tránh bén đáy nồi, tới khi thấy hỗn hợp sệt lại dạng gel là được. Tầm 20 phút từ lúc đun.
Chú ý: Không nên để hỗn hợp sệt quá, khi nguội hỗn hợp sẽ đông lại hơn khi nóng.


- Đổ mứt còn nóng vào hũ thủy tinh, đóng nắp và úp ngược hũ lại trong 10 phút. Làm theo cách này sẽ bảo quản mứt được vài tháng.


- Mứt nguội thì cất nơi khô ráo, thoáng mát. Có thể bảo quản trong tủ lạnh để mứt để được lâu hơn.



**Mứt dâu có thể dùng ăn kèm với bánh mì, pancake, làm kem trang trí bánh, làm bánh quy và rất nhiều món ngon hấp dẫn khác.







Tuesday 9 September 2014

Bánh táo - Món bánh của mùa thu

Vậy là cũng đã bốn năm từ lúc mình bắt đầu bước vào thế giới bánh trái đầy mê hoặc này. Mỗi mùa trôi qua lại để lại trong mình những kỉ niệm, những ấn tượng về từng loại bánh riêng. Mùa xuân, mùa của Tết đoàn viên, mùa của những chiếc bánh truyền thống, mùa của đoàn tụ. Mỗi khi Tết đến, mình thường làm mứt dừa, cà rốt hay bánh quy để biếu họ hàng và để lại một ít cho gia đình mời khách. Từng ước mong một lần được làm bánh chưng, nhưng mới chỉ có cơ hội được nhìn chứ mình chưa được tự gói bánh chưng bao giờ. Hi vọng Tết xa nhà đầu tiên sẽ có đủ nguyên liệu để làm bánh chưng :"> 


Tới mùa hè, mùa của những chiếc bánh mousse hay cheesecake mát lạnh kết hợp với trái cây như chanh leo, xoài, cam, dừa, chuối hay lựu. Loại bánh mousse mình thích nhất từ trước đến giờ là mousse chanh leo. Vị chua của chanh leo quyện với vị ngọt béo ngậy của phần mousse chocolate, nghĩ tới là lại thèm :">. Còn với mùa đông, mùa của những chiếc bánh mì nóng hổi, những chiếc bánh bao với đủ các loại nhân chỉ nhìn thôi là ứa nướng miếng rồi và những chiếc bánh trôi tàu dùng với nước đường dập chút gừng và ít lạc rang, vừa ấm bụng lại tốt cho sức khỏe. Và cuối cùng là mùa thu, mùa của những nhớ nhung, mùa của những nỗi buồn không tên và mùa của táo, của hương quế ấm nồng xen kẽ với vị bùi bùi của hạt óc chó, một sự kết hợp rất "Thu". Có thể là muffin táo, bánh áo úp ngược hay bánh táo như trong bài chia sẻ này của mình. 


Món bánh táo này mình học từ trong cuốn sách "Chuyện hai căn bếp" của hai tác giả Chi Anh và Hoàng Anh có sửa đổi một chút. Tuy nhiên, công thức bánh táo này là của anh Alex Trần, tác giả của blog Voyageofalex.blogspot,com. Công thức sử dụng sữa chua, do vậy bánh thành phẩm rất mềm, ẩm, có vị chua nhẹ, ấm nống hương quế và hạt óc chó bùi bùi. Một sớm thu Hà Nội, gió se lạnh và nắng vàng nhẹ, nhâm nhi miếng bánh táo cùng ly trà nóng thì thật hạnh phúc biết bao. Cuộc sống đôi khi chỉ cần những điều giản dị như vậy.

Dưới đây là công thức bánh táo, có sửa đổi một chút theo khẩu vị của mình.
Link gốc của công thức tại đây


Thời gian chuẩn bị: 10 phút
Thời gian thực hiện; 20 phút
Thời gian nướng bánh: 40 phút

Nguyên liệu:
- 150 gram bơ để mềm ở nhiệt độ phòng
- 120 gram đường cát
- 2 trứng gà (60-65 gr cả vỏ)
- 150 gram bột mỳ đa dụng (hoa ngọc lan, meizan, táo đỏ)
- 1 tsp bột quế
- 1 tsp baking powder
- 1 nhúm muối
- 100 gram sữa chua không đường * 
- 2 quả táo xanh
- 100 gram hạt óc chó (không có cũng không sao)
- Mứt mơ để quết mặt bánh
*Nếu không có sữa chua không đường, các bạn có thể thay bằng sữa chua có đường những giảm bớt phần đường trong công thức đi nhé.

Dụng cụ: 
- Máy đánh trứng
- Phới trộn bột
- Tô trộn bột
- Khuôn tròn 22 cm
- Giấy nến chống dính
- Chổi quét

Cách làm:
- Bật lò nướng ở 200 độ C, lửa dưới trước 10 phút.
- Lót giấy nến chống dính vào đáy khuôn và thành khuôn. Nếu không có giấy nến có thể thoa bơ vào đáy và thành khuôn, sau đó rắc một ít bột vào để chống dính cho khuôn.
- Cho bột mỳ, bột quế và baking powder và muối vào 1 tô, dùng wisk trộn đều sau đó rây mịn, để qua một bên.
- Hạt óc chó thái làm 4, thái hạt lựu 1 quả táo, quả còn lại thái lát mỏng.
- Dùng máy đánh trứng đánh bơ cho mềm tầm 2 phút sau đó thêm đường, đánh tiếp tầm 4 phút cho tới khi được một hỗn hợp bông xốp, màu vàng lông gà con là được. Việc đánh bơ này rất quan trọng, nếu bơ chưa đủ bông xốp thì bánh sẽ không thể mềm và xốp.
- Thêm từng quả trứng vào, đánh tới khi thấy trứng hòa quyện vào hỗn hợp bơ đường thì thêm tiếp quả con lại và đánh tới khi hỗn hợp quyện đều.
- Rây bột mỳ vào hỗn hợp bơ đường trứng, có thể dùng spatula trộn hoặc dùng máy đánh trứng ở tốc độ nhỏ nhất. Nếu dùng máy đánh trứng thì chỉ nên đánh tầm 30 giây, nếu lâu quá sẽ làm chai bánh. Tương tự với việc dùng spatula trộn, chỉ trộn tới khi thấy hỗn hợp quện đều, không nên trộn lâu quá.
- Cho sữa chua, hát óc chó và táo thái hạt lựu vào hỗn hợp bột, dùng spatula trộn tới khi đều. Lưu ý không trộn lâu quá.
- Đổ hỗn hợp bột ra khuôn, xếp táo thái mỏng lên mặt theo hình tròn.
- Cho bánh vào lò, nướng ở 200 độ C lửa dưới trong 10 phút sau đó chỉnh 180 độ C 2 lửa và nướng tiếp trong 25-30 phút tới khi bánh vàng mặt, thăm tăm vào bánh không bị dính là bánh chín.
- Bánh chín, cho ra rách, dùng chổi quét phết mứt mơ lên mặt bánh. 
- Khi ăn, có thể rắc chút đường bột để trông bánh hấp dẫn hơn.

Chúc các bạn thành công ^^




Saturday 6 September 2014

Bún bò Nam bộ

  “Bún bò nam bộ” hay còn gọi là “Bún thịt xào” là một món ăn khá phổ biến ở trong Nam. Có một lần mình từng nói chuyện với một cô người Nam, mình hỏi cô trong đó bún bò nam bộ có phải món nổi tiếng ở đó không, giống như Bún chả ở miền Bắc vậy. Cô ngẩn người ra hỏi Bún bò nam bộ là món gì vậy, cô chưa nghe thấy bao giờ cả. Sau một hồi miêu tả về món ăn, cô “À” một tiếng, trong Nam người ta gọi đó là “Bún thịt xào”. Mình cũng chưa chắc về cái tên của món ăn này lắm, ở ngoài Bắc mọi người vẫn hay gọi là Bún bò Nam bộ, nên mình cũng gọi như thế nhé ^^



Hồi còn ở Việt Nam, mình thường ăn Bún bò Nam bộ ở 67 Hàng Điếu. Ở đây họ thường để sẵn bún với rau sống, khi nào khách tới gọi món thì bắt đầu xào thịt bò vói hành tây. Bún bò ở đây ăn khá ngon, tuy nhiên giá hơi đắt và bát khá to. Theo mình nhớ thì giá một bát bún bò trộn ở đây là 55k, có thể gọi thêm giò hay nem chua ăn ở ngoài. Nói chung, chỉ cần ăn 1 bát bún và 2 chiếc giò nhỏ là mình cảm giác no cả ngày luôn L

Sang Anh rồi, món ăn Việt Nam không có mà món Tây thì vừa béo lại đắt nên mình thường tự mua đồ về nhà nấu, khi nào thích khám phá ẩm thực ở đây thì mới ra quán ăn ^^. May sao thành phố mình ở có vài cái siêu thị Tàu nên việc mua đồ Việt ở đây khá dễ dàng.

Nguyên liệu cũng như cách làm món Bún bò này khá đơn giản, mình chưa từng được thử món này ở trong Nam nên cũng chỉ làm theo chỉ dẫn trên mạng và hương vị giống như ở Hàng Điếu thôi. Có lẽ điểm khác biệt nhất của món này khi ăn ở ngoài Bắc và trong Nam là nước mắm. Theo mình biết thì người Nam thường ăn ngọt hơn người miền Bắc, do vậy có thể nước mắm sẽ có nhiều đường hơn một chút.

Có một vài lưu ý nho nhỏ khi làm món này, nếu bạn không có đủ nguyên liệu theo công thức (thực ra ở bên này mình cũng không có đủ nguyên liệu) thì cũng đừng lo lắng, hãy nấu theo cách bạn thích và nguyên liệu bạn có.

Nguyên liệu (Cho 2 người ăn)

- Thăn bò: 1 lạng
- Hành khô: 1 củ để ướp thịt bò + 8 củ làm hành phi
- Tỏi khô: 2 tép để ướp thịt bò + 1 tép phi thơm + 3 tép để làm nước chấm
- Gừng: 1 miếng nhỏ
- Giá: 100 gram
- Rau sống: mùi, húng chó, húng quế, húng láng, xà lách, rau răm mỗi thứ một ít. *
- Bún tươi: 2 lạng **
- Lạc rang chín
- Nước mắm ngon, đường, dấm, chanh, mì chính.

* Nếu bạn không có đủ các loại rau sống ở trên cũng không sao. Mình bên này mới đi chợ nên chỉ mua được rau mùi. Hic
** Có thể dùng bún khô, tuy không được mềm như bún tươi nhưng mình thấy cũng khá ổn.



Cách làm

- Băm nhỏ 1 củ hành, 2 tép tỏi và 1 mẩu gừng nhỏ

- Thịt bò thái mỏng, ướp với hành, tỏi, gừng băm. Nêm gia vị, mì chính vừa ăn thêm chút dầu ăn và hạt tiêu. Việc ướp thịt bò với dầu ăn sẽ giúp thịt mềm hơn. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, ướp trong 20 phút cho thịt ngấm đều gia vị. Khi ướp thịt bò, nên cho nguyên liệu khô trước sau đó mới tới chất lỏng, làm như vậy sẽ giúp nguyên liệu khô tan nhanh hơn.



- Giá đỗ rửa sạch, sau đó chần qua nước sôi, để ráo.


- Rau sống các loại rửa sạch, để ráo nước sau đó thái tầm 1 đốt ngón tay.


**Công đoạn làm hành phi
- Hành khô thái mỏng.

- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào chào, để lửa vừa. Nên cho nhiều dầu ăn một chút vì hành sẽ hút nhiều mỡ. Trong lúc đợi dầu nóng thì lấy cái rây bột, đặt lên một cái bát sẵn sang khi hành chín vàng.

- Tới khi dầu nóng già thì cho hành khô vào, lắc tròn cái chảo sao cho hành dàn đều ra mặt chảo. Khi làm hành phi, các bạn cần chú ý canh chảo, chỉ cần 1 chút lơ đễnh là chảo hành có thể bị cháy đen luôn. Thi thoảng lắc tròn cái chảo để hành được vàng đều. Tới khi hành chuyển sang màu vàng nhạt thì nên tắt bếp đi luôn, vì lúc đó dầu vẫn còn rất nóng, sẽ giúp hành vàng sậm hơn.


- Đổ hành khô qua một cái rây. Phần mỡ hành sẽ chảy xuống bát, chúng ta sẽ dùng phần mỡ đó để xào thịt bò, rất thơm và tiết kiệm nữa. Tuy nhiên không phải mỡ nào cũng dùng lại được đâu nhé. Mỡ rán cá thì các bạn nên đổ đi ngay, vì nếu dùng lại mỡ rán cá sẽ tạo ra một số chất độc gây ung thư. Nên các bạn chú ý nhé. Dầu rán nên chỉ dùng khi còn màu vàng trong, nếu dầu chuyển sang màu nâu đen thì nên đổ đi tránh dùng tiếp sẽ rất hại cho sức khỏe.

- Hành sau khi róc dầu thì cho ra bát có lót giấy thấm dầu, để riêng qua một bên. Nếu làm nhiều hành quá, các bạn có thể để nguội rồi cho vào lọ hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại và để nơi khô ráo, có thể để được vài ngày.

- Bóp lạc cho bay hết vỏ, sau đó giã dập. Có thể dùng cối hoặc dùng cái lăn bột hay chai tròn để đập dập lạc.

- Nếu ai dùng bún khô thì thêm công đoạn luộc bún. Đun nước sôi, thả bún khô vào luộc trong 10 phút. Sau đó đổ ra rổ, xả qua nước lạnh và để ráo nước.


- Công đoạn quan trọng nhất của món bún bò nam bộ là pha nước chấm. Mình thường pha với tỉ lệ 1 mắm : 4 nước lọc sau đó thêm đường, dấm và chanh theo khẩu vị. Thực ra mỗi loại nước mắm có một độ mặn riêng do đó tỉ lệ pha cũng sẽ khác nhau. Đây là tỉ lệ mình pha khi mình sử dụng nước mắm Hạnh Phúc. Khi ở Việt Nam, mình thường ăn nước mắm này vì nó rất thơm, mặn vừa phải và có “vị” nước mắm nhiều hơn so với “Chinsu”, “Tam Thái Tử” hay “Ông Tây”,…

Cho tỏi băm thật nhỏ vào bát, thêm nửa bát con nước mắm + hai bát nước lọc. Thêm từ từ 2,5 thìa cà phê đường + ½ thìa cà phê dấm + nước cốt nửa quả chanh, 1 thìa cà phê mì chính. Thêm dần dần tới khi nước mắm có vị chua chua ngọt ngọt.

- Xếp bún ra giữa tô, xung quanh xếp giá và rau sống, chừa một góc cho thịt bò xào.

- Cho chảo lên bếp, để lửa to, cho dầu làm hành phi ở trên (Cho vừa đủ, không nên cho nhiều quá). Đợi dầu nóng già thì cho thịt bò vào xào chín mềm. Khi xào các bạn nên xào lửa to, thức ăn sẽ chín nhanh, vẫn giữ được hương vị màu sắc và mềm.


- Thịt bò chín thì cho ra tô đã sắp sẵn bún và rau sống ở trên, cho hành phi lên trên cùng. Rưới nước chấm lên và măm măm thôi.


Cách làm cũng như nguyên liệu khá dễ kiếm và đơn giản, tuy nhiên có một số lưu ý khi nấu nướng các bạn chú ý đọc kĩ nhé.


Chúc các bạn thành công với món ăn “siêu dễ” và “siêu ngon” này. ^^