Saturday 23 August 2014

Bánh su kem (Choux à la cream)

Đang lúc tinh thần viết blog lên cao trào thì lăn đùng ra ốm nên mấy hôm nay không có update gì mới và vẫn nợ công thức làm crepe sầu riêng :( nhưng vì mấy em kháng sinh vật mình ghê quá, không còn sức để bò dậy test thử nữa, đánh hẹn các bạn khi mình khỏi ốm nhé. :(
Hôm nay tranh thủ lúc ngọc thể ổn định hơn xíu, mình xin chia sẻ công thức bánh su kem mà mình rất thích, thành phẩm rất ngon, nhận được khá nhiều lời khen từ mọi người. 
Công thức su kem mình sưu tầm từ Baking challenge của Hội bánh hà nội, có thay đổi chút xíu cho phù hợp với ý thích của bản thân hơn :3



Nguyên liệu:

Cho phần vỏ bánh:
- 250 ml nước 
- 100 gram bơ nhạt
- 10 gram đường (đường chỉ để tạo màu chứ không tạo vị giác)
- 2 gram muối
- 5 quả trứng gà (60-65 gram cả vỏ)
- 150 gram bột mỳ

Cho phần nhân kem:
- 600 ml sữa tươi
- 4 lòng đỏ trứng gà
- 80 gram đường
- 50 gram bột mỳ
- Vanilla extract (không có cũng không sao)

*Một số lưu ý về nguyên liệu:
- Trứng để làm vỏ su kem có trọng lượng từ 60-65 gram cả vỏ, nếu trứng to quá (>65 gram) thì chỉ cần 4 quả + 1/2 quả thứ 5, nếu trứng nhỏ quá (<60 gram) thì cần 5 quả.
- Nếu muốn nhân kem ngậy hơn thì có thể thay bằng 300ml sữa tươi + 300ml whipping cream hoặc dùng sữa nguyên kem thì thơm hơn sữa bình thường rất nhiều.

Cách làm:

Vì phải đợi nhân kem nguội nên ta tiến hành làm phần nhân kem trước nhé.
Đối với phần nhân kem:
- Dùng wisk đánh trứng với đường cho tới khi đường gần tan hết, hỗn hợp chuyển sang màu vàng nhạt.

- Trong lúc đánh trứng thì cho sữa vào một nồi nhỏ, vặn lừa vừa.

- Rây bột mì vào hôn hợp trứng đường, trộn đều.

- Tới khi sữa bốc hơi (tầm 70-80 độ C) thì tắt bếp, múc từng muôi sữa sang hỗn hợp trứng đường và trộn đều.

- Đổ hỗn hợp trứng sữa trở lại vào nồi, để lửa nhỏ và chú ý phải đảo luôn tay. Chỉ cần lơ là một chút là trứng sẽ vón cục lại, nhìn rất mất thẩm mỹ.

- Đun tầm 3-5 phút tới khi hỗn hợp sệt lại. Tùy theo sở thích cá nhân mà để nhân loảng hay sệt. Tuy nhiên cũng k nên để loảng quá, sẽ khó phun vào trong bánh.

- Nhân kem sau khi đã sệt thì tắt bếp, dùng màng bọc thực phẩm che phần kem lại, tránh bị oxi hóa sẽ tạo nên lớp màng.

- Khi nhân kem nguội thì cho vào túi bắt bông kem rồi cho vào tủ lạnh.


Đối với phần vỏ bánh:
- Cho bơ, nước, muối và đường vào một nồi nhỏ, vặn lửa vừa khuấy nhẹ tới khi bơ tan hết, hỗn hợp bắt đầu sôi lăn tăn thì tắt bếp.

- Rây bột mỳ vào hỗn hợp bơ nước ở trên, dùng thìa gỗ đảo đều. Lúc này bột đang ở trang thái nửa sống nửa chín, cảm giác bị vón cục nhưng không sao, cứ dùng thìa gỗ trộn đều từ 2-3 phút.

- Bắc lại nồi bột nửa sống nửa chín lên bếp, để lửa nhỏ vừa, tiếp tục trộn đều tay 3-4 phút. Sau đó tắt bếp, để bột nguội 5 phút.

- Đập từng quả trứng vào hỗn hợp bột, dùng que xoắn (que chuyên dùng để đánh bột nặng) đánh tan trứng. Làm như thế cho tới hết quả trứng thứ 4. Tới quả trứng thứ 5 thì nên đập ra một bát nhỏ, đánh đều rồi đổ từ từ. Như mình đã chú ý ở trên, nếu trứng to quá thì nhiều khi không cần tới quả trứng thứ 5 bột đã đủ mướt rồi, nếu trứng ít thì cần phải dùng cả 5 quả. Công đoạn trộn trứng với bột mất tầm 5 phút.

- Cho bột vỏ bánh vào túi bắt bông kem. Bột bánh su kem thường khá nặng, nên các bạn nên chia bột ra nhiều túi nhỏ khác nhau để khi bóp không bị mỏi tay. Với lượng công thức trên, mình thường chia làm 3 túi nhỏ.


- Bật lò 185 độ C trước 10 phút.

- Trải giấy nến ra khay nướng

- Dùng đui sò hoặc đui tròn phun kem thành hình xoắn ốc, kích cỡ tùy thích.


- Cho bánh vào lò nướng 25 phút là bánh chín.


- Khi bánh nguội thì dùng đầu đũa, chọc một lỗ nhỏ ở đáy bánh.

- Dùng đui sò nhỏ, phun nhân kem vào bánh qua lỗ nhỏ ở đáy. Cá nhân mình thích phun nhân kem như thế này vì nhìn nó thẩm mỹ hơn so với việc cắt đôi chiếc bánh rồi bóp nhân kem, vì vậy không bắt buộc phải phun kem như thế này nhé, các bạn cứ phun theo cách các bạn thích là được :">

- Sau khi phun kem xong thì cho bánh vào hộp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Các bạn có thể trang trí cho su kem bằng những đường chocolate đun chảy zic zac hay rắc chút đường bột lên, nhìn sẽ hấp dẫn hơn hẳn ấy.


Bánh su kem ngon nhất khi ăn lạnh, và bảo quản 2-3 ngày trong ngăn mát nhé.

Chúc các bạn thành công ^^


Wednesday 20 August 2014

Bánh mì cà phê (Paparoti)

Bánh mì cà phê hay Paparoti đã từng làm mưa làm gió một thời ở Hà Nội, hồi đó mình nhớ bánh ngon tới nỗi mà 10h đêm thèm quá lọc cọc đi mua nhưng không còn :(. Bánh mì cà phê thực chất là bánh mì mềm, có thêm nhân bơ mặn và bọc bởi một lớp kem cà phê giòn tan, khi cắn miếng đầu tiên lớp vỏ vỡ vụn ra, cảm giác thích thú đến lạ kì cộng với hương cà phê thơm nức mũi khó ai có thể cưỡng lại được.
Về phần công thức, bánh mì cà phê sẽ gồm 2 phần: phần bun (bánh mì) và phần kem cà phê. Nếu bạn nào bị dị ứng hoặc không thích cà phê, thì có thể làm phần bánh mì, biến tấu với thịt xông khói, sốt tỏi hay thậm chí quét chút bơ lên là đã rất ngon rồi.
Công thức bun mình yêu thích nhất từ trước tới giờ là công thức tangzhong (water roux). Bánh thành phẩm để tới ngày thứ 3 ở ngoài nhiệt độ phòng vẫn mềm và ăn rất ngon. Cảm ơn chị Linh Chi Nguyễn đã chia sẻ một công thức bun tuyệt vời như vậy ạ. :3 Các bạn hãy thử ngay công thức bun này nhé, mình xin cam đoan là nó sẽ không làm các bạn thất vọng :>

Thêm chú thích


Nguyên liệu:

Cho phần stater:
- 25 gram bột làm bánh mỳ (bread flour)
- 160 ml nước
Cho phần trộn với stater:
- 300 gram bột làm bánh mỳ
- 50 gram đường
- 40 gram bơ nhạt, để mềm
- 5 gram men (instant dry yeast)
- 2 gram muối
- 1 trứng
Cho phần nhân bánh:
Phần nhân này không bắt buộc phải là bơ hay chocolate. Các bạn có thể không cho nhân. Nếu muốn ăn nhân bơ mặn thì lấy 1 cục bơ mặn, cắt thành 10 khối nhỏ. Đối với nhân chocolate cũng tương tự.
Cho phần kem cà phê:
- 70 gram bơ nhạt
- 80 gram đường xay
- 2.3 gói cà phê đen G7 (loại 2 gram một gói), hòa tan với 2 tbsp nước nóng.
- 1 quả trứng
- 100 gram bột mỳ

Cách làm:
Đối với phần stater:
1. Hòa bột mì vào nước, dùng wisk khuấy đều rồi sau đó cho lên bếp, đảo đều tới khi bột sệt lại thì tắt bếp
2. Cho đường vào, khuấy đều rồi để nguội hoàn toàn
Đối với phần nguyên liệu còn lại:
3. Cho trứng và muối vào hỗn hợp stater, đánh tới khi trứng tan hết, thành một hỗn hợp đồng nhất.
4Trộn bột mỳ và men với nhau (KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ MEN GẦN MUỐI, muối sẽ làm men chết dẫn đến hiện tượng bánh không nở, bị chai)
5. Tạo một hố hình miệng núi lửa trong tô bột, từ từ đổ hỗn hợp stater vào, dùng thìa gỗ trộn đều. 
6. Khi hỗn hợp bớt nhão thì bắt đầu dùng tay nhào. Nếu trong quá trình nhào, bột bị ướt quá thì các bạn có thể dùng 1 ít dầu ăn, thoa lên hai lòng bàn tay để chống dính. Không nên thêm bột vì nếu thêm quá nhiều bột sẽ làm bánh bị khô.
7. Nhào 10 phút tới khi bột bắt đầu mịn mặt thì thêm bơ vào, tiếp tục nhào thêm 10-15 phút nữa. (Công đoạn này cần khá nhiều sức, nhưng thi thoảng vận động một chút cũng tốt cho cơ thể mà, khỏi phải đi tập gym lun :3)
*** Nếu có máy nhào bột bánh mì thì sau bước 4, cho tất cả nguyên liệu trừ bơ vào máy, bật chế độ nhào rồi sau 10 phút thì cho bơ, nhào 15 phút nữa tới khi bột mịn mặt là được.
8. Bột sau khi nhào mịn mặt thì có thể đập thêm vài lần, việc đập bột sẽ giúp bánh nở tốt hơn. (Mình có quay clip đập bột nhưng hiện giờ chưa tìm ra, nên sẽ bổ sung khi tìm thấy nhé)
9. Sau khi đập bột thì vun bột thành 1 khối tròn, tráng 1 lớp dầu ăn mỏng vào tô và cục bột. Phủ lên bằng 1 chiếc khăn ẩm sạch hoặc màng bọc thực phẩm, để vào nơi kín gió, ủ 1 tiếng. 
*** Tùy theo nhiệt độ cũng như độ ẩm của thời tiết mà canh thời gian ủ cho phù hợp. Ví dụ với thời tiết mùa hè nóng ẩm, thì các bạn chỉ cần để nơi kín gió và ủ 1 tiếng. Nhưng với thời tiết lạnh như mùa đông, các bạn có thể bật lò nướng 100 độ C trong 10 giây.
10. Bột sau khi ủ lần 1 thì bỏ ra, đấm xẹp bọt khí, để bột nghỉ 5 phút. Trong lúc đó chuẩn bị khay nướng có lót giấy chống dính.
11. Chia bột thành 10 phần bằng nhau. Lấy từng viên bột, vo tròn sau đó ấn dẹt, nếu muốn thêm nhân thì đặt nhân vào giữa rồi bọc lại, sau đó vo tròn cho cục bột có mặn mịn và căng. Đặt bột vào khay nướng. Làm tuần tự như vậy tới khi hết 10 viên bột.
12. Dùng 1 chiếc khăn ẩm hoặc 1 tờ giấy chống dính khác để đậy lên khay bột vừa nặn. Đổ nước sôi vào 2 cốc nhôm nhỏ, đặt vào khay nướng sau đó cho khay vào lò nướng (lò nướng lúc này chưa bật) ủ lần hai 45 phút.
Trong lúc ủ lần 2 thì ta tiến hành làm phần kem cà phê:
13. Đánh bông bơ với đường xay tới khi hỗn hợp ngả màu vàng nhạt. Tầm 3-4 phút
14. Thêm trứng, đánh tới khi quyện đều. Tầm 2-3 phút
15. Rây bột mỳ và nước cà phê, đánh đều tới khi hỗn hợp mịn, cho vào túi bắt bông kem.

16. Sau khi ủ được 35 phút thì bỏ khay bánh ra ngoài, bật lò 180độ C trước 10 phút.
17. Dùng kéo cắt đầu túi bắt bông kem 1cm, sau đó phun phần kem cà phê thành hình xoắn ốc (Như hình minh họa)


18. Cho bánh vào lò nướng 180 độ C, 2 lửa trong 15 phút là bánh chín.



19. Bánh chín nên để trong lò cho nóng. Sang hôm sau, bánh nguội sẽ bị ỉu thì chỉ cần vặn lò 150 độ C, nướng trong 5 phút là vỏ bánh lại giòn rụm trở lại.

*** Với những ai không thích hay bị dị ứng với cà phê thì từ bước 12 làm tiếp tục tới bước 16 và biến tấu tùy ý.
Bánh mì làm theo công thức tangzhong, không phủ kem cà phê.

Bài viết hơi dài một chút nhưng hi vọng mọi người chú ý để có thể hạn chế được càng nhiều mẻ bánh hỏng càng tốt :3

Chúc các bạn thành công, nhớ khoe mình thành phẩm nhé ^^


Tuesday 19 August 2014

Pancakes

     Pancakes là một loại bánh cực dễ làm và cũng rất dễ ăn. Pancakes thường được dùng chung với bơ, mật ong, maple syrup, các loại hoa quả tươi hoặc kem tươi và thậm chí cả thịt xông khói rán giòn. Mình hảo ngọt nên thường dùng với mật ong, dăm ba chiếc pancakes cùng 1 chút mật ong và 1 cốc sữa nóng là đã có một bữa sáng hoàn hảo. 
Mình đã thử khá nhiều công thức pancakes khác nhau và ưng ý với công thức này nhất, tự đặt tên cho nó là "Perfect pancakes" bởi nó quá tuyệt vời. Các bạn thử xem sao nhé ^^



Công thức: Food network

Nguyên liệu:
- 100gr bột mỳ
- 1.5 tbsp sugar
- ½ tsp baking powder
- ¼ tsp muối
- 150ml sữa tươi không đường (nên dùng sữa tươi nguyên kem)
- 30 gram bơ nhạt đun chảy
- 1 trứng

Cách làm:
- Trong một tô, trộn đều bột mỳ, bột nở và đường
- Trong một tô khác, đánh tan trứng sau đó thêm sữa và vanilla, khuấy đều. Sau cùng thêm bơ và khuấy thành hỗn hợp đồng nhất.
- Rây bột mì vào hỗn hợp trứng sữa sau đó trộn đều.
- Cho chảo chống dính lên bếp, để chế độ lửa vừa
- Quét 1 chút bơ hoặc dầu ăn (không nên quét quá nhiều) rồi múc từng thìa bột chiên vàng 2 mặt.
- Dùng nóng với bơ hoặc mật ong, hoa quả tươi.

Bánh cupcake và kem tươi trà xanh

       Cupcake là một loại bánh khá dễ làm, dễ ăn và dễ trang trí. Cupcake thực tế là những chiếc bánh được đựng trong cup giấy nhỏ xinh và cũng có khá nhiều cách làm bánh cupcake khác nhau. Hôm nay, mình xin chia sẻ tới mọi người một công thức mình rất tâm đắc bởi thành phẩm sau khi nướng cực mềm, ẩm và thơm. Bánh cupcake sau khi nướng phải để nguội hoàn toàn, sau đó trang trí với các loại kem tùy thích và giữ trong tủ lạnh ít nhất 45 phút rồi mới thưởng thức. Với thời tiết nóng ẩm của Việt Nam, các bạn không nên để bánh ở ngoài quá lâu vì kem sẽ chảy, ăn sẽ giảm độ ngon đi tới 60-70% liền, nên các bạn chú ý khâu bảo quản bánh nhé.
Công thức cupcake này mình sưu tầm từ blog Laura in the Kitchen, có thay đổi một chút. Thực sự đây là một công thức tuyệt vời.


Nguyên liệu:
Cho phần bánh:
- 200 gram đường (Có thể dùng đường hạt bình thường, nhưng nếu có điều kiện các bạn nên dùng đường xay)
- 113 gr bơ, để mềm ở nhiệt độ phòng
- 2 trứng
- 1 tsp tinh chất Vanilla
- 2 tsp baking powder
- 1/8 tsp muối
- 167 gram bột mỳ đa dụng
- 80 gram sữa tươi (nếu dùng sữa nguyên kem sẽ thơm và ngậy hơn)

Cho phần kem tươi trà xanh:
- 200 ml whipping cream lạnh(heavy cream, hàm lượng chất béo >30%)
- 30 gram đường xay (icing sugar)
- 5-7 gr bột trà xanh (matcha powder)

Dụng cụ:
- Máy đánh trứng, lò nướng
- 2 tô nhôm
- Cup giấy
- Túi bắt bông kem
- Cốc nhôm hoặc khuôn nướng cupcake
- Cây trộn bột/spatula
- Đui trang trí (không có cũng không sao)

Cách làm:
Với phần bánh:
- Bật lò 175 độ C trước 10 phút
- Lót cup giấy vào cốc nhôm hoặc khuôn lỗ
- Trong một tô, trộn bột mỳ và muối cho đều sau đó rây mịn.
- Trong một tô khác, dùng máy đánh trứng đánh bông bơ tầm 1-2 phút, sau đó thêm đường và tiếp tục đánh bông tới khi hỗn hợp chuyển sang màu vàng nhạt. Quá trình đánh bông bơ đường tầm 5-6 phút.
- Thêm từng quả trứng vào hỗn hợp bơ đường, đánh tới khi quyện đều.
- Chia bột làm 3 phần, sữa làm 2 phần. Cho 1 phần bột, trộn đều (chỉ cần đều, k nên trộn lâu quá sẽ làm bánh bị chai) sau đó tới phần sữa và cứ lần lượt như vậy cho tới khi hết.
- Cho hỗn hợp bột vào túi bắt bông kem. Làm như vậy sẽ hạn chế việc bột lem ra cup giấy, khi nướng phần đó sẽ bị cháy nhìn rất mất thẩm mỹ.
- Bóp bột ra các cup giấy, chú ý chỉ bóp lượng bột bằng 2/3 khuôn để khi nướng bột nở là vừa đủ. 
- Cho vào lò nướng 10 - 12 phút đối với mini cupcake, 15-20 phút đối với cupcake cỡ trung và 20-25 phút đối với cupcake cỡ lớn.
- Khi thấy bánh ngả màu vàng nâu và dùng tăm thăm bánh thấy không dính tăm là bánh chín.
- Bánh chín cho lên rack, để nguội hoàn toàn.

Trong lúc chờ bánh nguội thì tiến hành làm phần kem:
- Rây đường bột vào hỗn hợp kem lạnh
- Đánh ở tốc độ cao tới khi kem hơi bông thì hạ xuống tốc độ nhỏ, thêm bột trà xanh và đánh tới khi kem bông cứng.
- Cho kem vào túi bắt bông kem, để lạnh ít nhất 45 phút trước khi trang trí.
- Trang trí tùy thích

Chúc các bạn thành công ^^

Monday 18 August 2014

Dụng cụ làm bánh cho người mới bắt đầu

       Cũng như bao bạn khác, thời điểm mình mới chập chững làm bánh quả là vô cùng khó khăn, nhất là khi đó phong trào làm bánh chưa được rầm rộ như bây giờ và địa chỉ mua nguyên liệu cũng như dụng cụ cũng không được phong phú, nghĩ lại thấy thật gian nan T_T. Mình vốn thích nấu ăn và làm những công việc tỉ mỉ (đôi khi hơi tẩn mẩn) nhưng do được chiều cũng như phải tập trung học hành nên trong 12 năm học, mình chỉ biết nấu cơm rửa bát và làm vài món đơn giản. Vẫn nhớ món bánh đầu tiên của mình được sản xuất khi trường cấp 3 tổ chức hội thi làm bánh chào mừng ngày 8-3 và tất nhiên mình xung phong đảm nhiệm. Với mình, bánh lúc đó sẽ bao gồm bột mỳ, trứng, nước hoặc sữa và bột nở. Mình đi khắp các cửa hàng khô ở chợ để tìm bột nở. Cái mình cần tìm thực ra là baking powder, nhưng hồi đó còn gà mờ, cô bán hàng đưa cho 1 gói đựng các hạt màu nâu mủn mủn như mùn cưa gỗ (hay còn gọi là men nở) và nói đây là bột nở. Cầm gói men mình hào hứng về nhà thử nghiệm, trộn tí bột với vài quả trứng rồi thêm tí sữa, thêm ít bột (men) nở rồi dùng đũa khuấy khuấy cho đều, sau đó chia đều ra các bát, cho vào lò vi sóng bật chế độ "Grill" - chế độ mà khi đó kênh 14 hướng dẫn mình là có thể dùng để nướng bánh được. Hic, thành phẩm không ra một cái kiểu gì cả, thơm thơm nhưng lại tanh tanh rồi bết bết huhu và sau đó mình chuyển sang làm trại chứ không dám đảm nhận phần bánh nữa =)) Nghĩ lại thấy hồi đó tồ tẹt quá :"> Rồi trước khi thi đại học 2 ngày, không hiểu sao mình mày mò vào được một blog làm bánh và webtretho, cảm giác lúc đó thật khó tả, như vỡ òa mừng húm và sung sướng vô cùng. Thi đại học xong, mình tâm sự với mẹ nếu đỗ đại học thì mẹ cho phép mua đồ làm bánh, mình nói mình không cần điện thoại hay xe máy, mình chỉ thích đồ làm bánh thôi. Rồi việc gì đến cũng đã đến, mình đỗ đại học và được mẹ đưa lên Hà Nội sắm đồ. Nhớ ngày đó mình tỉ mẩn ghi chép từng địa chỉ mua đồ nào đồ nào rồi lưu ý nhiều lắm, giờ đọc lại vẫn thấy có ích, cảm giác mới như hôm qua vậy. Mình đến với bánh trái là như vậy, rồi từ đó đam mê cứ lớn dần, lớn đến nỗi không được làm bánh quả là một cực hình đối với bản thân mình :(

Thôi, lại bắt đầu bệnh lan man rồi :( Mình đi vào chủ đề chính nhé.  Có khá nhiều bạn inbox hỏi mình lúc mới làm thì nên mua những dụng cụ gì nên hôm nay mình sẽ tổng hợp những kiến thức bản thân mình học hỏi được trong bốn năm qua. Sẽ có tên dụng cụ, địa chỉ mua, cách sử dụng và một vài lưu ý nhỏ. Đây hoàn toàn là kiến thức mình tự sưu tầm và lượm lặt được, nên nếu có gì sơ suất thì các bạn cứ góp ý nhiệt tình nha.

DỤNG CỤ LÀM BÁNH CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

1. Lò nướng
Lò nướng là dụng cụ KHÔNG THỂ THIẾU đối với những bakerholic. Bên cạnh một số loại bánh không cần sử dụng lò nướng như cheesecake, mousse cake,... nhưng bánh thì luôn luôn gắn liền với lò nướng, vì vậy đây là thứ đầu tiên các bạn nên sắm khi muốn làm bánh.
Lò nướng ở Việt Nam rất đa dạng và giá cả cũng khá phải chăng. Phần lớn các chị làm bánh homemade đều sử dụng một số hãng lò như Sanaky, Gali của Trung Quốc, Homepro của Thái hay cao cấp hơn thì có Electrolux và Fagor. Tuy nhiên, Sanaky và Gali được ưa chuộng nhất. Giá lò Sanaky khá vừa tầm, dao động từ 800-1500k tùy thuộc vào dung tích lò. Mình dùng lò Sanaky dung tích 50 lít giá hiện tại là 1200k. Với gia đình thì nên mua lò dung tích 34 lít trở lên, nhưng cũng không nên mua to quá (80 lít) vừa cồng kềnh và giá thành lại cao.


Ở trên là hai mẫu lò Sanaky dung tích 50 lít. Có khác biệt một chút ở phần cửa lò, mẫu dưới cửa lò có tráng inox (cái này mình không nhớ rõ lắm) nên giá thành đắt hơn 200k, cá nhân mình thấy cũng không cần thiết lắm.
Có một số lưu ý nhỏ khi dùng lò Sanaky như sau:
- Phần lớn lò Sanaky đều bị chênh nhiệt độ. Nghĩa là khi mình chỉnh nhiệt 150 độ C, nhưng nhiệt thực tế trong lò thường lên đến 175 độ và có khi lên tới 180 độ. Đó là điểm yếu của hầu hết các lò Trung Quốc. Để khắc phục điều này, các bạn nên mua thêm 1 nhiệt kế đo nhiệt độ lò, giá dao động từ 180k-250k để đo được nhiệt độ chính xác nhất. 
- Sau khi sử dụng một thời gian, thanh nhiệt trên thường có xu hướng nhiệt cao hơn thanh nhiệt dưới, có lò thì tập trung vào phía trong, có lò lại phía ngoài, có lò lại ở giữa. Do vậy, các bạn nên chú ý điều này khi nướng bánh.
- Để vệ sinh lò sau khi sử dụng, các bạn có thể cho 1 khay nước có quế, baking soda và chanh vàng rồi bật lò 100 độ C trong 1 tiếng, sau đó dùng khăn ẩm lau sẽ rất dễ dàng.
Đây là hình ảnh chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ lò mình dùng. Giá 190k.

Địa chỉ mua: 
Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim: Số 10B Tràng Thi, 17-19 Nguyễn Chí Thanh, Km số 10 Nguyễn Trãi.
(Địa chỉ tại Nguyễn Chí Thánh có vẻ hàng hóa không đa dạng, các bạn nên tới Tràng Thi để có nhiều sự lựa chọn hơn)
Sơn Hùng: 120 Phố Huế
Và các trung tâm điện tử điện máy khác.

2. Máy đánh trứng
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều hãng máy đánh trứng và chất lượng cũng khá tốt. Máy đánh trứng có hai dạng chủ yếu, một là máy để bàn (stand mixer) và máy đánh trứng cầm tay (hand mixer). Máy đánh trứng để bàn giá thường đắt hơn, tuy nhiên bạn sẽ không phải mỏi nhừ cánh tay mỗi khi đánh trứng hay làm bánh su kem nữa. Tiêu chí để chọn máy đánh trứng là công suất đủ lớn (>300W) và máy chạy ổn định.
Với stand mixer thì KitchenAid luôn là niềm mơ ước của bao chị em. Giá dao động từ 8 triệu -12 triệu tùy loại và tùy màu. Ngoài ra, stand mixer của Phillip dùng khá ổn và được chị em tin dùng, giá cả dao động từ 1tr7 - hơn 2tr. Một số hãng cũng có stand mixer như Black and Decker, Bosch.
Sở hữu một em Kitchenaid điệu đà như này là niềm ao ước bây lâu của mình :(

Với hand mixer thì có lẽ đa dạng hơn. Mình dùng 2 máy của Blue Stone giá 650k bao năm nay vẫn thấy ổn và cực bền. Ngoài ra Phillip và Bosch cũng có hand mixer và cũng được nhiều chị em tin dùng.
Máy đánh trứng cầm tay của Blue Stone cũng khá bền, công suất 350W.

Máy đánh trứng cầm tay thường có 2 bộ que đánh. Một que dùng để đánh trứng, kem (hỗn hợp lỏng) và que còn lại dùng để đánh bột nặng (bột su kem). Không nên dùng máy đánh trứng cầm tay để trộn bột bánh mỳ, cá nhân mình ngày đầu làm bánh đã hi sinh em Black n Decker khi nhào bánh mì, máy cháy khét lẹt và mình chỉ còn nước ngồi khóc :(
Theo thứ tự từ trái qua phải: que đánh bột nặng, que đánh hỗn hợp lỏng và thân máy.

Địa chỉ mua: 
- Hiện tại khá ít nơi bán KitchenAid vì giá thành khá cao, mình chỉ biết có Kitchen Art ở Quảng An và Baker Land ở Nguyên Hồng có bán sản phẩm này.
- Với Blue Stone mình thấy Tân Nhất Hương (gần sân vận động Mỹ Đình) bán giá ổn định, 650k. Cũng cùng một sản phẩm này mà Jolis Chef bán hơn 1 triệu. Vậy nên các bạn nên tìm hiểu kĩ sản phẩm trước khi mua tránh bị bán quá giá nhé. Địa chỉ Tân Nhất Hương và Jolis Chef mình sẽ up cụ thể ở cuối bài.
- Với các sản phầm khác thì các bạn có thể mua tại các siêu thị điện máy.

3. Tô trộn bột
Đây là dụng cụ mình hay dùng nhất bên cạnh lò nướng và máy đánh trứng. Các bạn có thể dùng bát ô tô hay nồi khi trộn bột, tuy nhiên, khi dùng máy đánh trứng cầm tay, việc đánh trứng với tốc độ cao như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng men (nếu dùng bát ô tô) và chất lượng nồi. Do đó, các bạn nên sắm ít nhất 1 tô và nếu có điều kiện thì nên sắm 2 tô (một to một nhỏ) để tiện khi dùng.

Giá bowl 25cm và 22cm mình mua tại Hàng Thiếc là 150k, ở một số địa chỉ khác giá cũng tương tự.
Địa chỉ mua:
26,14 Hàng Thiếc
Tân Nhất Hương
Baker Land
Jolis Chef
Kitchen Art
...

4. Phới lồng (wisk)
Dùng phới lồng để đánh tan trứng hay trộn các nguyên liệu với nhau sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc các bạn dùng đũa hay thìa. Giá cả cũng khá phải chăng, dao động từ 50k-200k tùy loại. Hàng cao cấp có thể sẽ có giá cao hơn.


 Địa chỉ mua:
26,14 Hàng Thiếc
Tân Nhất Hương
Baker Land
Jolis Chef
Kitchen Art
...

5. Phới trộn bột (Spatula)
Việc sở hữu một chiếc phới trộn bột tốt sẽ không chỉ giúp ích các bạn trong công việc làm bánh và nó còn vô cùng hữu hiệu trong khi nấu các món ăn. Spatula thường được dùng để trộn/vét bột, với spatula loại silicon, công việc vét sạch bột trong những chiếc tô không còn là vấn đề nữa. Tuy nhiên, khi mua spatula silicon các bạn nên mua loại tốt để có thể dùng ở nhiệt độ cao. Nếu mua loại Trung Quốc thì khi ở nhiệt độ cao, có thể sẽ sản sinh ra những độc tố không tốt cho sức khỏe.
Giá một chiếc spatula tốt thường dao động từ 150k-300k. Bên cạnh spatula silicon, còn có loại Spatula nhựa giá 10k/1 chiếc. 
Spatula silicon

Spatula nhựa
Địa chỉ mua:
26,14 Hàng Thiếc
Tân Nhất Hương
Baker Land
Jolis Chef
Kitchen Art
...

6. Bộ muỗng đong 
Bánh ngọt xuất xứ từ phương Tây, do vậy đơn vị đong của chúng cũng không giống với chúng ta. Khi bạn đọc một công thức làm bánh, bạn sẽ thấy những kí tự lạ như tsp, tbsp, oz, lbs, cup,... đó chính là đơn vị đo của họ. Làm bánh cần phải chính xác và cẩn thận, do vậy, chúng ta không thể tùy tiện lấy 1 ít này hay 1 ít kia khi kỳ vọng sẽ thành công ngay lần đầu tiên, do vậy việc sở hữu một bộ muỗng đong là cần thiết.

Muỗng đong có rất nhiều mức khác nhau. Như trong hình chúng ta sẽ thấy có 1/4 tsp, 1 tsp, 1 tbsp, 1 cup.
Tsp: teaspoon: muỗng cà phê
Tbsp: tablespoon: muỗng súp
...
Mình sẽ có một bài tổng hợp và quy đổi đơn vị đo cụ thể sau.
Địa chỉ mua:
26,14 Hàng Thiếc
Tân Nhất Hương
Baker Land
Jolis Chef
Kitchen Art
...

7. Khuôn bánh
Khuôn bánh vô cùng đa dạng và phong phú, vì vậy sẽ khá khó khăn cho những bạn mới làm bánh chọn ra một vài chiếc khuôn hữu dụng và tiện lợi nhất.
Mình xin đề xuất 2 loại sau:
a. Khuôn nhôm tròn đế rời
Đây là loại khuôn mình sử dụng nhiều nhất. Khuôn có rất nhiều kích cỡ: 10cm, 16cm, 18cm, 20cm, 22cm, 24cm, 30cm.
Tại sao là khuôn đế rời chứ không phải đế liền? Vì khuôn đế rời có thể sử dụng cho nhiều loại bánh khác nhau. Các loại bánh có thể làm từ chiếc khuôn này: Gato, mousse, tiramisu, cheese cake, brownies, butter cake,... rất nhiều.
Giá thành cũng khá là hợp lý, dao động từ 30k-50k tùy cỡ. Với những loại khuôn nhôm chất liệu dày dặn hơn thì giá sẽ cao hơn. Tuy nhiên mình dùng chiếc khuôn 20cm mua 20k cách đây 4 năm, giờ vẫn dùng rất tốt và không hề có ý định sẽ đổi khuôn mới. ^^

b. Cốc nhôm/khuôn lỗ làm cupcake
Cupcake là loại bánh khá dễ làm và thường được các bạn mới làm bánh làm nhiều nhất. Cupcake dễ ăn, dễ trang trí và nhỏ xinh nên rất được ưa chuộng. 
Hiện tại, trên thị trường có những loại cup giấy chống dính và cứng (dùng 1 lần) nên sẽ không cần cốc nhôm hay khuôn lỗ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nướng bánh trong những chiếc cup giấy mỏng dính thì nên mua cốc nhôm/khuôn lỗ.
Cốc nhôm giá khá rẻ, 5k/1 chiếc. Các bạn nên mua cốc nhôm dùng để nướng loại mini cupcake. Mini cupcake vừa nhỏ, xinh, ăn vừa miệng.


Khuôn lỗ làm cupcake mình cực thích là khuôn 24 lỗ của Wilton. Giá tầm 300k những dùng cực thích, dày dặn và rất đẹp.
Địa chỉ mua:
26,14 Hàng Thiếc
Tân Nhất Hương
Baker Land
Jolis Chef
Kitchen Art
...
8. Giấy nến nướng bánh/ Tấm Silpat
Khi làm bánh quy hay dùng khuôn nhôm để nướng bánh, các bạn cần lót một lớp giấy chống dính xuống khay/đáy khuôn.
Giá 20-25k/1 cuộn tùy chỗ.


Tấm silpat có thể dùng đi dùng lại được nhiều lần và cũng làm đáy bánh đẹp. Tuy nhiên, tấm Spilat thường dùng để nướng bánh quy/bánh trung thu. Còn giấy chống dính thì sẽ có nhiều ứng dụng hơn.
Giá 250-350k tùy loại.

9. Dụng cụ rây bột
Khi làm bánh, bột cần được rây kĩ để tránh bị vón cục khi trộn. Dụng cụ rây bột khá thân thuộc với các bạn. Đó chính là cái lọc cua hay lọc bã xơ của hoa quả. Tuy nhiên có một lưu ý nhỏ khi chọn mua cái rây bột, các bạn nên chọn loại nào lỗ rây càng nhỏ càng tốt, rây sẽ lâu hơn một chút nhưng bột sẽ mịn và đều hơn.
10. Cân
Như đã nói ở trên, làm bánh luôn yêu cầu sự chính xác và tỉ mỉ, do vậy việc cân đo đong đếm các nguyên liệu là vô cùng cần thiết. 
Khi mua cân, nên mua loại chi tiết 2 gram để có thể cân được chính xác nhất. Hiện tại cũng có loại cân điện tử (chính xác tới từng gram) nhưng giá thành hơi cao một chút.
Cân 500gr Nhơn Hòa chi tiết 2gr giá 170k, cân điện tử giá thường từ 250k-400k



Còn rất nhiều dụng cụ làm bánh khác, nhưng với những bạn bắt đầu làm bánh, những dụng cụ trên là đủ. Việc sắm một loạt các dụng cụ trên đã tiêu tốn khá nhiều tiền rồi, nên sẽ từ từ tìm hiểu và sắm từng loại nhé ^^
Về địa chỉ mua dụng cụ, ngoài 2 dụng cụ điện máy là lò nướng và máy đánh trứng thì các dụng cụ khác các bạn có thể mua ở những địa chỉ sau:

1. Tân Nhất Hương
Đây là siêu thị bán buôn/bán lẻ đồ làm bánh lớn và giá thành rẻ nhất hiện giờ. Các bạn có thể mua mọi thứ tại đây. Tuy nhiên, đồ ở đây có khá nhiều đồ Trung Quốc, nên các bạn nên cân nhắc kĩ khi sắm đồ.
Địa chỉ: Đối diện sân vận đông Mỹ Đình

Khoanh tròn đỏ là vị trí của siêu thị Tân Nhất Hương.
Đánh giá: *****

2. 26,14 Hàng Thiếc
Thực tế tại Hàng Thiếc còn có thêm nhà 21, nhưng bác bán Hàng hơi khó tính, bán lại đắt nên mình thường mua ở nhà 26 và 14 (của cùng 1 chủ). Tuy nhiên nhà 21 đắt hơn nhưng đồ đa dạng và có phần xịn hơn. Nên các bạn cứ lựa rồi mua nhé. Ở đây hầu như dụng cụ nào cũng có, nhưng giá thì không niêm yết như Tân Nhất Hương, sẽ phải mặc cả.
Đánh giá: ****

3. Baker Land - 36A Nguyên Hồng và số 8 Lê Văn Linh
Hàng hóa ở đây chủ yếu là hàng cao cấp, có rất nhiều đồ của Wilton do vậy giá thành cũng khá cao. Tuy nhiên, cũng là một địa điểm lý tưởng cho các Bakerholic.
Đánh giá: ***

4. Kitchen Art - số 38, Quảng An, Tây Hồ.
Đây thực sự là một thiên đường của các kitchenholic, tuy nhiên hàng chủ yếu là nhập khẩu cộng địa điểm lý tưởng nên giá thường cao hơn bên ngoài khá nhiều. Nhưng các sản phẩm của Wilton thì khá rẻ. Còn lý do thì mình không rõ. 
Đánh giá: ***

5. Jolis Chef
Số 22, ngõ 1, Hoàng Quốc Việt
Tầng 4, số 3+5 ngõ 82 Chùa Láng
Ở đây chủ yếu bán nguyên liệu, cũng có thêm dụng cụ nhưng không nhiều. Giá cũng khá đắt, thậm chí đắt hơn ở các cửa hàng khác rất nhiều.
Đánh giá: **

Tạm kết ở đây nhé, có gì muốn lưu ý mình sẽ bổ sung thêm sau. Nếu các bạn có thắc mắc gì có thể comment dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: v.tieuoanh@gmail.com mình sẽ giải đáp nhé, nếu không giải đáp được mình sẽ hỏi người khác ^^

Chúc các bạn có một sự chuẩn bị tốt để làm ra những chiếc bánh xinh đẹp nhé.

Cheers >U<

Nguồn ảnh: Google



Sunday 17 August 2014

Bánh cuộn trà xanh (Green Tea roll cake)

Cuối cùng mình cũng tìm được cảm hứng viết blog trở lại. *Thở phào*
Từ lâu, mình vẫn luôn muốn có một góc nhỏ, nơi  mình có thể chia sẻ niềm đam mê ẩm thực và đặc biệt là bánh trái với mọi người, nhưng vì bản tính lười nhác nên toàn lần lữa, và cuối cùng cũng đã hạ được quyết tâm. Cũng không dám hứa hẹn gì nhiều, chỉ hi vọng mình có đủ nhiệt huyết để duy trì góc nhỏ này, hihi :3



Bánh cuộn trà xanh không còn là một món xa lạ với mọi người nữa rồi nhỉ, chắc hẳn ai cũng đều thích nó sau khi ăn miếng đầu tiên, cảm giác miếng bánh mềm, thơm mùi trà quyện với phần kem tươi man mát, dịu ngọt nhưng lại không hề gắt. Có khá nhiều cách làm bánh cuộn và 2 cách mình thấy mọi người thường làm nhất là cách theo công thức gato cơ bản và gato hongkong. Ngoài ra, một số clip cũng như blog nước ngoài có thêm cách làm dạng butter cake. Những kiến thức chi tiết về sự khác nhau giữa các loại bánh mình sẽ chia sẻ trong những bài tới. Cá nhân mình thấy bánh làm theo công thức cơ bản chỉ gồm bột, đường, trứng, chút muối và có thể có thơm chút bơ ăn đậm đà hơn hẳn so với bánh làm theo công thức đánh trứng riêng biệt (tách riêng lòng đỏ và lòng trắng) và có thêm thành phần chất béo (dầu ăn, bơ) và chất lỏng (nước, sữa, nước hoa quả). 


Gọi là bánh gato cơ bản không phải cách làm của nó dễ mà dựa trên thành phần nguyên liệu hết sức cơ bản và tính ứng dụng cao của nó. Từ lúc chập chững làm bánh và cho tới tận 1 tháng trước, mình vẫn luôn thường trực trong đầu một câu hỏi: "Tại sao bánh gato cơ bản lại có sức hút đến như vậy? Tại sao bánh tại các tiệm bánh ngon, các công thức bánh trong những cuốn dạy làm bánh nổi tiếng, họ lại ứng dụng gato cơ bản nhiều đến thế? Ăn vừa khô lại rời rạc, thật không ra làm sao cả" Và thế là cả quãng thời gian dài đó, mình chỉ làm bánh theo công thức tách lòng hay thi thoảng là đánh bông bơ với đường (dạng butter cake) chứ không hề đả động tới gato cơ bản (Quả thật là một thiếu sót vô cùng lớn). Sau một quãng thời gian quyết chí tìm tòi, mình đã tìm ra chìa khóa cho câu trả lời của hàng loạt những câu hỏi ở trên. Sự thiếu hụt về kiến thức khiến cho mình có cái nhìn không mấy thiện cảm về cả một nền văn hóa bánh ngọt nơi trời Âu, thật lấy làm xấu hổ :(. Mình chỉ xin tiết lộ chìa khóa của loại bánh này là "bột", còn cụ thể như thế nào mình sẽ chia sẻ kĩ hơn trong bài tiếp theo nhé. Học làm bánh cũng như học một môn khoa học, có nghiên cứu, có phân tích và đôi khi mình áp dụng được cả những kiến thức hóa học còn học hồi phổ thông nữa. Thật thú vị.

Dưới đây, mình xin chia sẻ công thức bánh cuộn trà xanh dựa theo công thức Gato cơ bản từ blog chị Khai Tâm.

Nguyên liệu:

Phần bánh cuộn
200-225 gram trứng (khoảng 4 quả trứng gà công nghiệp, 5 quả trứng gà ta)
90 gram bột mỳ cake flour
10 gram bột trà xanh (matcha powder)
1 nhúm muối (khoảng 2 gram)
100 gram đường cát (caster sugar)

Phần kem trà xanh
200ml kem whipping cream hoặc heavy cream (hàm lượng chất béo >30%)
10 gram bột trà xanh (có thể tăng giảm tùy theo khẩu vị)
30 gram đường bột (icing sugar)


Dụng cụ:
Khuôn nhôm hình chữ nhật kích cỡ 25x35cm
Giấy nến nướng bánh (Baking paper)
Máy đánh trứng + Que đánh trứng
Tô nhôm to
Dụng cụ rây bột
Phới lồng (wisk) hoặc phới trộn bột (Spatula)

Cách làm:
- Bật lò 190 độ C, hai lửa
-Lót giấy nến nướng bánh vào đáy khuôn
- Trộn bột mỳ với bột trà xanh, sau đó rây mịn rồi chia làm 3 phần.
*Tips: Để cố định giấy nến vào đáy khuôn, có thể quét chút bơ vào đáy khuôn
- Đánh bông trứng với đường (với máy để bàn đánh tầm 4 phút, máy cầm tay đánh 8-10 phút)
Công đoạn đánh bông trứng rất quan trọng, trứng phải được đánh thật bông, tới khi các lỗ khi chỉ còn nhỏ li ti như đầu tăm. Theo tips chị Khai Tâm chia sẻ, thì sau khi thấy trứng đã đánh đạt, thì hạ xuống tốc độ thấp, đánh thêm 1 phút nữa.
- Trộn từng phần bột vào hỗn hợp trứng đường. Khi đổ bột vào hỗn hợp trứng, chú ý không nên đổ tập trung một chỗ mà dàn đều ra, sau đó dùng phới trộn bột trộn hất từ dưới lên trên. Không nên trộn quá kỹ sẽ làm bánh bị chai, cũng nên trộn nhanh quá bột chưa quện đều. 
- Đặt tô trộn bột cách khuôn tầm 30cm, đổ từ từ vào khuôn. Việc này giúp giảm thiểu các bọt khi to trong kết cấu bánh. 
- Cho vào lò nướng tại khay giữa trong thời gian 9 phút.
- Trong lúc nướng bánh thì có thể rửa luôn dụng cụ và chuẩn bị một chiếc khăn hoặc một tấm giấy nến to (dùng để cuộn bánh)
- Bánh chín, róc bánh ra khỏi khuôn và cuộn lại ngay khi bánh còn nóng. Có thể cuộn ngang hoặc cuộn dọc tùy thích.

Trong lúc đợi bánh nguội thì làm phần kem.
- Đánh bông kem whipping với đường bột và bột trà xanh. Mình thường dùng wisk để đánh, dưới tô kem thường để 1 tô nước đá lạnh để kem bông nhanh. Tuy nhiên, với bạn nào tay yếu và chưa quen thì có thể dùng máy đánh trứng. 
- Bánh sau khi nguội thì trét kem vào giữa, sau đó cuộn lại và bảo quản lạnh ít nhất 30 phút để bánh đạt tới độ ngon nhất.

**Bảo quản: Bánh homemade nên tốt nhất sử dụng trong vòng 2 ngày.

**Có một vài lưu ý nhỏ trong việc sử dụng và bảo quản kem whipping như sau:
- Đánh kem ở tốc độ cao 
- Tới khi kem hơi sệt lại thì giảm xuống tốc độ nhỏ. Kem whipping rất dễ bị tách nước, đôi khi chỉ cần lơ đi vài giây thì kem đã đi đằng kem và nước đi đằng nước rồi :( nên với những bạn mới làm bánh nên chú ý khâu này. 
- Kem Whipping sau khi mở nắp thì chỉ sử dụng được trong 1-2 tuần (2 tuần với điều kiện dùng màng nilon bọc kín, đặt trong ngăn mát, thi thoảng bỏ ra lắc lắc lọ kem). Tuyệt đôi không được để kem whipping lên ngăn đá, sẽ bị tách nước và không dùng được nữa.

Chúc các bạn thành công với món bánh vô cùng hấp dẫn này nhé ^^